Ẩm thực Bình Định – không phải ai cũng biết
PHẦN 1: ẨM THỰC QUY NHƠN
Vùng miền nào cũng có món ngon với nguyên liệu cách chế biến riêng.
Một món ăn ngon, trước hết phải có nguyên liệu sạch (thực phẩm, gia vị), cách chế biến được vị, hương, sắc độc đáo; cung cách phục vụ thân thiện của quán và chỗ ngồi dù dân dã cũng phải sạch sẽ. Tất nhiên, cái ngon của món ăn sẽ được nhân lên khi ta ngồi với gia đình, ngươi thân, bạn hữu.
Quy Nhơn ít có món riêng, mà phần nhiều giống như các món ngon của vùng quê Bình Định, nhưng nhờ cách chế biến và địa điểm thích hợp, lại là thủ phủ Bình Định nên hội tụ đủ các món ngon.
Phần lớn món ngon Quy Nhơn được chế biến từ các thực phẩm tươi sống như có quán đã giới thiệu: “Rắn còn bò, chim còn bay, ghẹ còn bơi, cua còn kẹp, cá còn lội, tôm còn búng, lươn còn chùi, ếch còn nhảy, gà còn mổ, vịt còn kêu và nhìu con còn nhúc nhích”.
Mục Ẩm thực Quy Nhơn, tôi sưu tầm từ trang cẩm nang du lịch Bình Định và các bài viết đã đưa lên “mạng”. Có rất nhìu bài viết về các món ngon ở Quy Nhơn. Tôi cảm nhận được người viết phần lớn là người xa quê hoặc du khách đã một lần về Quy Nhơn được bạn bè hoặc Tour giới thiệu đi ăn. Họ đã viết về Quy Nhơn với những khám phá bất ngờ bởi nhiều món “độc”, “lạ”, “rẻ”.
“Về Quy Nhơn, sướng nhất là khoản ăn uống hợp khẩu vị dân miền trung nói chung và Bình Định nói riêng, nghĩa là hơi mặn, hơi cay, hơi ngọt một xíu! Và điều quan trọng nhất là có nhìu món giá rẽ bất ngờ mà vẫn ngon miệng. Phải nói là rẽ bèo luôn, hầu như các món ăn chỉ có giá bằng 1 nửa hoặc 2/3 ở Sài Gòn thôi”.
“Quy Nhơn, Bình Định là vùng đất nổi tiếng với rất nhìều món ăn ngon vô cùng đặc biệt và rẻ nổii tiếng. Hãy đến với Quy Nhơn để chúng ta cùng khám phá những món ngon khó cưỡng của vùng đất này nhé!”.
“Có lẽ không ở đâu có những món bánh vừa ngon lại vừa rẻ như ở thành phố biển Quy Nhơn. Không cần vào các nhà hàng sang trọng, mà ở những con phố nhỏ yên bình, bạn cũng có thể tha hồ thưởng thức những món ngon mà bạn thích”.
“Cuộc sống ở Quy Nhơn rất dễ chịu và yên bình, con người ở đây rất bình dị và vui tánh, nếu có dịp bạn đến Quy Nhơn mà bị lạc đường hoặc bạn muốn đi đến đâu, bạn có thể hỏi bất kỳ ai từ em bán vé số, cô bán hàng rong, chú xe ôm và các chị ngồi tán chuyện ở trước nhà thì mọi người ai cũng vui lòng giúp bạn”.
“Nói đến thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, thơ mộng và yên bình, ai đã từng một lần ghé qua cũng muốn có dịp nào đó sẽ quay lại, vì Quy Nhơn có khá nhiều điều hấp dẫn. Còn có một điều không thể bỏ qua, đó chính là hoạt động ẩm thực rất đa dạng và phong phú của Quy Nhơn với các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát luôn làm hài lòng quý khách”.
Những món ăn nổi tiếng:
*Lạ – ngon – rẻ
Nhiều khách đến Quy Nhơn và cả người định cư Quy Nhơn đã rất thích thú khi được thưởng thức những món đặc sản biển hội tụ đủ 3 yếu tố: lạ – ngon – rẻ.
Các món lạ xuất hiện ngày càng nhiều trong thực đơn của các hàng quán ở đây. Những con cá có tên: mặt trời, khế, gà, kỳ hà, bò giống, bò da, sơn gai, dìa, tà ma, đục, ninja, thu ngừ, chình mun, lịch huyết, hàu sữa, bào ngư, các loại ốc, cá chua, bọ biển,… đã chinh phục được nhiều khách sành ăn. Nhìn bề ngoài chúng không đẹp mắt, có con trông còn dị tướng, nhưng qua cách chế biến dân dã như luộc, hấp, om hay nướng trên bếp than lại làm cồn cào ruột khách ngồi đợi.
* Bún chả cá
Vừa qua, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã chính thức công nhận và xác lập 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam theo “tiêu chí xác lập giá trị ẩm thực Việt Nam”. Bún chả cá Quy Nhơn là một trong 50 món ăn được tôn vinh.
Bún ngon phải được làm theo phương pháp gia truyền, kỳ công từ cách chọn gạo, đến khâu chế biến. Chả cá được làm bằng cá tươi sống ở vùng biển Quy Nhơn như cá mối, cá nhồng, cá thu, cá rựa…
Bún chả cá Quy Nhơn có vị ngọt chân chất của xương, vị béo, đậm đà của cá; màu nước bún trong, sợi bún nhỏ và mềm. Một tô bún bên trên điểm mấy ngọn hành non, một ít rau thơm, giá tươi, mấy lát ớt mỏng và những lát chả cá chiên vàng, hấp màu trắng đục bắt mắt, hấp dẫn.
Bún chả cá Quy Nhơn là cái ngon của tất thẩy những chất liệu đời thường nhưng khiến ai đã một lần thưởng thức thường không dễ quên.
*Ngon như bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn
Bánh xèo Quy Nhơn có thể nói là đặc sắc, bởi nguyên liệu chế biến đơn giản mà thật đậm đà. Trong khi ở các vùng đất khác nhân bánh xèo được chế biến khá cầu kỳ với tôm, mực, thịt, trứng…thì linh hồn của món bánh xèo Quy Nhơn là con tôm đất làm nhân. Loại tôm này nhỏ, nhưng chắc thịt, khi chín sẽ đỏ au, ăn vào ngọt lịm.
Nước chấm bánh xèo Quy Nhơn có phần đậm đặc hơn. Nước mắm ngon, pha với tỏi, ớt giã nhuyễn, vắt thêm nước chanh và pha một chút đường để dậy mùi.
Rau ăn với bánh xèo Quy Nhơn thì không thể thiếu rau mầm, loại rau non mướt hơi nhân nhẩn cùng với chút xoài chua cắt nhuyễn.
Bánh xèo Quy Nhơn phải ăn với bánh tráng mới đúng điệu. Loại bánh tráng nhúng nước vừa mềm, trải lên đĩa, đặt một nhúm rau mầm với xoài chua, cái bánh xèo nóng hôi hổi, cuộn một cuốn chặt tay, chấm ngập vào chén nước mắm rồi cắn một miếng, niềm vui này khó có gì sánh bằng.
Múc muỗng bột gạo pha loãng, đổ vào chảo kêu cái xèo… thêm ít tôm đất tươi, nhúm giá sống. Món này phổ biến khắp nơi ở thành phố Quy Nhơn, đặc biệt là khu ven biển. Cứ khi trời nhá nhem tối, đi ngang qua những quán bánh xèo tôm nhảy nghe tiếng đổ bánh xào xào, tiếng gọi mời, tiếng khua của bát đũa và mùi thơm của bánh dậy lên, khách sẽ khó lòng bước qua.
*Bánh hỏi cháo lòng
Đĩa bánh hỏi được bày ra trước mặt bạn thật ấn tượng với màu trắng của bánh hỏi, màu xanh của lá hẹ thái nhỏ chấm đều trên bánh, có thêm chút dầu làm bánh bóng mượt hấp dẫn hơn. Và khi bạn chấm bánh với nước mắm nhỉ pha với chanh, ớt, thì vị ngon mát dịu của bánh khiến bạn muốn ăn thêm.
Thực đơn bánh hỏi ở Bình Định có khoảng 10 món như: bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi gà nướng…
*Bánh căn nước cá ngừ
Đặc biệt, món ăn này bình dân và ngon rẻ, hương vị ấy càng trở nên hấp dẫn và khó quên. Quy Nhơn đáng tự hào vốn người dân giàu sáng tạo trong ẩm thực ăn uống… Vâng chỉ nhắc đến thôi đã khiến cho giới trẻ cả nước đứng ngồi không yên. Đó chính là món Bánh Căn đấy bạn ạ! Đây là một món có mùi vị rất ngon, đặc biệt là ít ngấy hơn, vì ngoài bột gạo còn là kinh nghiệm làm bánh ngon tạo được hương vị riêng biệt. Vỏ bánh giòn rụm, vàng ươm bên trong lại có lớp bột mềm mềm ăn vô cùng thích! Chan thêm nước cá ngừ đã được nấu sẵn với gia vị đậm đà rồi cho bánh vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà “tuyệt vời ông mặt trời” này..
*Bánh Canh
Hương vị khó quên là thơm, ngọt, mềm, dai và sẽ đậm đà ấn tượng hơn nếu thêm vào đó một chút tương ớt đậm đặc. Khi tô bánh canh nghi ngút khói nổi bật với những lát chả cá vàng ươm, lẫn chả cuốn, trứng cút, màu xanh của hành lá, màu trắng của hành củ, thêm chút tiêu, mắm, ớt…khiến mùi vị trở nên hấp dẫn vô cùng.
*Bánh bèo
Đĩa bánh trắng mướt được rắc hành thái nhỏ, thêm vào chà bông cá hoặc tôm, dưới bánh là nước mắm ớt đã pha sẵn với vị chua chua ngọt ngọt, làm hương vị của bánh ngon mà không ngấy.
Ngoài ra, còn có cách ăn khác là thêm tôm chấy. Cũng với cái bánh tròn tròn hấp bằng bột gạo, mỏng dày tùy sở thích, thêm chút tóp mỡ, hẹ phi, tôm chấy màu cam đỏ, nước mắm ngọt có những mảng ớt nổi lênh đênh như lục bình… Món ăn rẻ tiền mà các bạn học sinh cả nhóm hì hục vừa chan vừa húp, mỗi người “thanh toán” đẹp vài chục chén là chuyện bình thường.
*Bánh xèo vỏ (không nhân)
Cái ngon dân dã này ai cũng thích, nhất là khi bên ngoài trời se lạnh mưa lâm râm, chỉ cần vài cái bánh xèo không nhân, chấm với mắm nêm là mặn mòi vào tới gan ruột, tỉnh cả người (chấm xì dầu cũng rất hợp). Bánh xèo vỏ ăn nguội mới ngon, bạn cảm thấy cái dai của bột quyện lẫn vị mặn của mắm nêm, hay xì dầu ớt cay sẽ quyến rũ đặc biệt làm ghiền, ăn hoài đến no không chán…
*Đậm đà, thơm ngậy bún riêu cua
Ăn bún riêu cua nhất thiết cần phải có một đĩa rau gồm các loại như bắp chuối thái ghém, rau tía tô, rau răm, giá đậu, xà lách non, rau thơm… Trên bàn ăn lúc nào cũng sẵn một chén tương ớt, chén mắm ruốc, ớt xanh, tỏi, chanh, nghệ tươi xay nhuyễn. Sáng hay chiều, ăn tô bún riêu tỏa hơi ấm lòng.
*Bún sứa
Vào mùa sứa, khoảng cuối xuân, đầu hạ, sứa biển rất nhiều. Quán bún sứa ở Quy Nhơn phần lớn làm loại sứa chân, thịt vừa khô ráo, vừa giòn nên ai cũng thích.
Một tô, sắp lên mặt một lớp sứa, miếng sứa được cắt nhỏ, rồi rải lên một lớp đậu phộng (lạc) rang, giã giập, thêm vài miếng chả cá và miếng chả ram vàng khè, giòn rụm. Chưa hết, người ta còn rải tiếp một lớp xoài xanh, dưa leo thái mỏng, dài dài đều trên mặt tô bún. Mới vậy mà nhìn thấy đã thèm.
Khi ăn, dùng đũa trộn tô bún cho thật đều và ăn chậm rãi, từ từ, nhai kỹ, sứa giòn, đậu phộng bùi béo ngậy, vị chua của xoài, chanh tươi, mùi thơm của húng, vị cay của ớt và nước lèo nóng còn bốc khói có vị đậm đà… đã làm tăng thêm độ khoái khẩu cho thực khách.
Ai đã ăn một lần nhớ mãi không quên!
*Cá Ninja – “món ngon vật lạ” ở Quy Nhơn
Cá này da trơn như cá chình, đường kính cỡ 4cm, dài 2 gang tay, lưng đen tuyền, đầu giống chạch cui có ria ngắn, đuôi bè ra như hải cẩu, mắt bé xíu như mù. Hiện nay “ngôi sao” trong sự lựa chọn của dân nhậu là cá Ninja.
Miếng cá cắt cho vào miệng nhai ngập chân răng mà không sợ xương! Độc đáo nhất vẫn là thịt cá dai vừa, sừng sực.
Chế biến cá ninja có thể nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là um và nướng. Các gia vị món um không thể thiếu bắp chuối, thơm (dứa), cà, rau răm, ngổ và đậu phộng rang nguyên hạt. Món nướng ăn với rau răm, ngò, rau quế và không thể thiếu ớt, chấm với xì dầu là hợp. Tất cả hương thơm của thịt cá, rau mùi và miếng cá giòn ngọt, cay cay, thêm cái bánh tráng nướng và hớp rượu Bầu Đá, người sành ăn nào cũng sẽ thốt lời thán phục.
*Cua huỳnh đế
Cua huỳnh đế được ngư dân tôn xưng là vua của các loại cua. Cua huỳnh đế có thể chế biến các món như sốt me, rang muối, nướng… nhưng ngon và đơn giản nhất là hấp, chấm với muối tiêu ớt xanh, hoặc luộc lấy thịt phi hành, thêm gia vị vào rồi nấu cháo.
Còn gì thú vị hơn khi ngồi những quán ven biển vừa thưởng thức các món ngon cua huỳnh đế, vừa nghe âm thanh rì rào của sóng biển, hít thở không khí mang vị mặn mòi của biển, ngắm nhìn biển cả mênh mông.
*Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền trung nói chung, không thể thiếu trong các dịp lễ tết hay cưới hỏi… Nguyên liệu làm bánh là bột nếp và lá gai.
Cái làm nên màu xanh đen của bánh chính là lá gai. Đây là loại lá mọc rất nhiều ven hàng rào ở quê. Nhân bánh ít lá gai vị ngọt, được làm từ đậu xanh hoặc dừa. Bánh ít lá gai ăn mềm, dẻo, hương thơm thoang thoảng cùng vị ngọt vừa phải rất ngon miệng.
Có câu ca dao:
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi
(còn tiếp ….)