Ẩm thực Bình Định – không phải ai cũng biết (phần 2)

Phần 2: ẨM THỰC TÂY SƠN

* Chim mía Phú Phong

“Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong

Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao”

Đồng mía Tây Sơn ngút ngàn xanh, là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở. Đó là loại chim nhỏ như chim sẻ, có màu lá úa thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và đầu xuân.

Chim mía nướng nóng giòn chấm muối tiêu chanh, thơm ngon hấp dẫn Chim mía rán thơm lựng , cắn một miếng ta sẽ có ngay cái cảm giác tổng hợp: dai dai của thịt, giòn giòn của xương, béo béo của dda, vị ngọt đằm, không lẫn vào đâu được. Chim mía mà có thêm rượu Bầu Đá nhâm nhi thì cứ gọi là đệ nhất mỹ thực.

Chim mía Phú Phong, món ăn đặc sản nức tiếng ưa chuộng của du khách đến thăm quê hương đất võ Tây Sơn.

* Dé bò – Đặc sản của đất Tây Sơn

Vị ngọt mềm của mấy lát gan, tụy, thêm chút nhân của dé (ruột non), chút thơm các thứ rau mùi và giòn giòn rau giá, bánh tráng; các vị này hòa cùng lá giang chua chua, chất xin xít lưỡi của nước ruột dé làm nên một tổng phổ đủ cung bậc quyến rũ trên lưỡi. Và nước mắm gừng loang loãng, bánh tráng nướng cắn thêm cho rom rả. Nhẫn, ngọt, cay cay, thơm ngon vị bò và nhất là món dé bò rất bổ dưỡng.

* Bánh cuốn Tây Sơn

Loại bánh mà người dân nơi đây gọi là món: “hai sống một chín”, là vì một cái bánh tráng sống được làm từ bột gạo, cuốn cùng với bánh tráng nướng và có đủ các món làm nhân: thịt bò nướng, nem chua nướng, rau tía tô, các loại rau thơm khác, kèm mấy lát trứng vịt luộc, dưa leo cắt nhỏ, chả ram còn nóng giòn, chả lụa… Tất cả được cuốn chặt theo hình trụ , cuốn bánh vừa dài vừa lớn. Mỗi người chỉ ăn một, hai cái là đủ no.

Nước chấm được làm bằng đậu phộng giã nhỏ vừa thơm vừa béo, cho chanh vừa đủ để không làm mất mùi thơm của nước mắm.

Thực khách sẽ cảm nhận được tất cả vị ngon của bánh qua vị giác: cay của ớt, chua của nem, nồng của rau thơm; còn qua hàm răng sẽ cảm nhận: dẻo của bánh tráng sống, giòn của chả ram và bánh tráng chín, cảm nhận qua khứu giác: mùi rau thơm, của tỏi, của đậu phộng; còn thị giác thì thỏa mãn với sự khéo léo của người cuốn bánh.

Bánh tráng (bánh đa) có từ thời Quang Trung – Nguyễn Huệ. Lúc đầu ăn bánh tráng không, thấy ngán nên nghĩ ra cách cho thêm một số thức ăn khác vào cho đỡ ngán; từ đó, cái tên bánh cuốn ra đời. Bánh cuốn Tây Sơn giờ được bán khắp nơi trong huyện và cả ở thành phố Quy Nhơn.

*Cá Mương rau rừng

Cá mương có nhiều ở thượng nguồn các con sông lớn của Bình Định, nhưng loại cá này tập trung nhiều nhất ở khu vực thượng nguồn sông Kut một nhánh nhỏ của sông Kôn. Cá bắt lên làm sạch, chiên vàng, ăn chung với rau rừng như: lá bương, lá giang, lá lộc vừng… chấm với mắm nêm. Vị giòn của cá hòa quyện với vị thơm bùi của các loại rau tạo nên một cảm giác cực kỳ thú vị cho người ăn. Muốn ăn bạn nhớ ghé xã Tây Phú huyện Tây Sơn, hoặc một số nhà hàng, quán ăn ở huyện Vĩnh Thạnh.

(còn tiếp…)

Rate this post