Ẩm thực Bình Định – không phải ai cũng biết (phần 3)

Phần 3: Ẩm thực Hoài Nhơn

*Mè xửng Tam Quan

Từ lâu, mè xửng được coi là sản phẩm đặc trưng của vùng Tam Quan, trong đó mè xửng và bánh hồng Bà Điền (thị trấn Tam Quan) đã trở thành đặc sản Bình Định, ngày càng được người tiêu dùng trong nước biết đến. Mè xửng Tam Quan dẻo, mềm, ngọt vừa phải, quyện với vị thơm đậu phộng, vị béo của mè tạo thành hương vị đặc trưng độc đáo, không lẫn với mè xửng nơi khác.

   

*Bánh hồng Tam Quan

Nếu bạn chưa biết thì, bánh hồng cũng là một món đặc sản lâu đời của miền đất võ Bình Định bên cạnh bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa… Món bánh này vốn được coi là biểu trưng cho tin vui, thường xuất hiện vào dịp đặc biệt như đám cưới hỏi của người dân địa phương.

Tương tự như nhiều loại bánh truyền thống khác, nguyên liệu làm ra bánh hồng đều rất dân dã bao gồm gạo nếp, đường kính và dừa. Tại Bình Định có rất nhiều vùng làm bánh hồng. Nhưng chỉ riêng bánh hồng của thị trấn Tam Quan mới được đánh giá là đặc sắc hơn cả vì làm từ gạo nếp Ngự có tiếng thơm và dẻo.

Tấm bánh to, dày khoảng 2-3 cm lại dẻo nên không hề dễ cắt thành hình thoi đúng điệu. Khi cắt lát, tảng bánh để lộ ra phần ruột màu trắng đục không mấy mịn màng mà lỗ chỗ lỗ khí rỗng.

Chế biến từ gạo nếp xay và đường nên khi mới nấu xong bánh hồng vô cùng dính. Bột nếp khô được sử dụng để làm se bề mặt bánh cũng như kéo dài thời gian bảo quản. Lớp bột trắng mịn, dày, bao phủ bên ngoài khiến loại bánh này trở nên khác lạ.

Nếu có dịp ghé qua đất Bình Định bạn nên ăn  thử món bánh hồng này cho biết nhé, biết đâu lại nghiện.

*Bánh in

Bánh in là loại bánh phổ biến ở Bình Định vào dịp giỗ, Tết. Bánh làm bằng bột nếp. Tuy nhiên bánh in dễ làm, nhưng để làm bánh vừa dẻo, vừa xốp, không cứng cũng không bở là phải rất khéo.

*Bánh tráng nước dừa

Từ lâu, bánh tráng nước dừa được xem như một đặc sản nổi tiếng của Bình Định và đặc biệt chỉ ở Tam Quan mới có. Khách ở phương xa đến thăm quê hương Bình Định thường tìm mua đem về làm quà cho người thân. Bánh tráng được xếp lại thành từng chồng 20 cái rồi dùng dây  buộc lại hình chữ thập, gọi là “ràng”.

*Bún dây

Bún dây Hoài Nhơn là món ăn dân dã nhưng lại hấp dẫn thực khách bởi những sợi bún mảnh mai cùng những  hương vị đậm chất hương đồng nội.

Bún dây ăn nguội mới ngon. Khi ăn, nhẹ nhàng gỡ vi bún ra khỏi lớp lá chuối, xé thành sợi nhỏ, đặt lên trên chiếc đĩa, quết dầu đậu phộng (đã phi thơm với hành và lá hẹ), chan nước mắm chanh, tỏi, ớt, thêm một ít chả cá cắt sợi hay tôm, cá rim với dầu  phộng và gia vị cho đậm đà.

*Mực ngào tỏi ớt

Những con khô mực ngào ớt óng ánh đầy hấp dẫn cho những cuộc nhâm nhi. Khô mực ngào ớt có vị cay cay, chút vị mặn, chút vị ngọt và thơm thơm.

*Bánh khoai mì 

Bánh khoai mì được tổng hợp từ các nguyên liệu: bột lọc khoai mì tươi, đậu xanh, sữa, đường, dừa. Bột khoai mì vừa lọc được cho vào nồi chứa đậu xanh đã quết hoặc xay nhuyễn, hòa với nước cốt dừa, tùy khẩu vị mà thêm đường, sữa, một ít muối để vừa miệng. Tiếp đó, đánh thật đều hỗn hợp trên rồi đổ vào khuôn. Sau cùng, đặt những khuôn bánh vào lò nướng hoặc lò vi sóng, nếu nướng bằng than phải khéo léo để bánh chín đều.

Khi nướng, bánh đổi sang màu vàng cam cũng là lúc có thể ngửi thấy mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng của bánh. Ngay khi vừa ra lò, cắn một miếng, sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, độ mịn dẻo vừa phải của bánh, thấp thoáng mùi thơm của dừa, một chút của đậu xanh và mì, tạo cho ta cảm giác như đang trở về với những hồi ức gần gũi, những cánh đồng quê yên bình…

(còn tiếp …)

Rate this post