Lượng khách quốc tế du lịch Việt Nam ngày càng tăng

Nhiều người lên kế hoạch du lịch khắp các nước thông qua ứng dụng di động; đặt nhà hàng, phòng nghỉ, thanh toán dịch vụ bằng hình thức trực tuyến.

Du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển với lượng khách quốc tế ngày càng tăng. Giai đoạn 2015 – 2018, khách đến Việt Nam tăng trưởng từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, gấp 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trung bình 25% một năm.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh trong nhiều năm vừa qua. Ảnh: Visa.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 (The Travel & Tourism Competitiveness Report), do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố Việt Nam nhảy 4 bậc từ vị thứ 67 lên 63.

Các chuyên gia phân tích, sự phát triển này có được là nhờ phần lớn vào những tiến bộ của công nghệ thông tin như Internet, mạng xã hội, ứng dụng di động, du lịch trực tuyến… Tại Việt Nam, các công ty lữ hành thay đổi cách kinh doanh, từ đón khách hàng trực tiếp tại văn phòng, đại lý… sang kinh doanh trực tuyến, chốt tour chỉ sau vài cú nhấp chuột.

Những dịch vụ du lịch số như dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ Airbnb và dịch vụ du lịch trực tuyến xuyên biên giới Booking.com, Agoda hay Traveloka thu hút nhiều quan tâm của du khách. Sự xuất hiện của nền tảng RedDoorz (hỗ trợ đặt phòng khách sạn), hay Oyo Hotels & Homes (chuỗi khách sạn nhượng quyền trực tuyến) góp phần thay đổi diện mạo của phân khúc khách sạn bình dân. Nền tảng này ứng dụng giải pháp công nghệ và tiêu chuẩn hóa dịch vụ cho các khách sạn nhỏ.

Hiện nay, du khách có thói quen lên kế hoạch du lịch thông qua ứng dụng di động, trực tiếp đặt nhà hàng, phòng nghỉ và các dịch vụ trực tuyến. Báo cáo của Trekksoft chỉ ra 75% người dùng 18-34 tuổi sử dụng các kênh trực tuyến để đặt dịch vụ; 87% người trẻ coi di động là vật dụng du lịch quan trọng nhất

Phương thức thanh toán số cho du lịch

Theo bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc Công ty công nghệ thanh toán toàn cầu Visa tại Việt Nam và Lào – với tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành du lịch Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, mà còn quảng bá hình ảnh đất nước ra toàn thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhanh chóng phát triển du lịch thông minh theo hướng số hóa là cơ hội để du lịch Việt Nam cất cánh.

“Thanh toán kỹ thuật số không chỉ đem lại sự thuận tiện cho khách hàng, mà còn đảm bảo độ bảo mật, tốc độ và tính hiệu quả cao” bà Dung nói.

Các trải nghiệm số cho người tiêu dùng khi giao dịch và đi du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Visa.

Với mục tiêu kết nối toàn cầu thông qua mạng lưới thanh toán kỹ thuật số hiện đại, bảo mật và đáng tin, Visa đang đẩy mạnh du lịch nội địa tại Việt Nam với nhiều giải pháp. Qua kinh nghiệm 20 năm hợp tác với Tổng cục Du lịch Thái Lan, Visa có thể chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn phát triển các chương trình thu hút du lịch cho Việt Nam.

Tại Thái Lan, Visa đã phối hợp với Tổng cục Du lịch Thái Lan thực hiện nhiều chiến dịch như: lễ hội Thailand Splash & Spice, mùa khuyến mãi cuối năm Amazing Thailand Grand Sale, hay chương trình Thailand Spectacular Year End. Các chiến dịch này không chỉ thu hút đông đảo du khách, mà còn góp phần tăng chi tiêu du lịch của khách quốc tế đến Thái Lan. Đồng thời, Visa đã tăng cường sự xuất hiện tại các điểm đến, những điểm chấp nhận thanh toán và nâng cấp hạ tầng theo mô hình thành phố thông minh.

Bà Đặng Tuyết Dung cho biết, việc gia tăng các trải nghiệm về dịch vụ du lịch, mua sắm và thanh toán cho người tiêu dùng theo hướng công nghệ số đã được Visa và các ngân hàng nắm bắt, phối hợp xây dựng, cho ra đời nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng cao.

Visa đang phân tích dữ liệu và nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của du khách quốc tế đến Việt Nam. Nghiên cứu mới nhất của công ty này cho thấy, khách du lịch đến từ Mỹ, Australia, Pháp, Singapore và Đức đến Việt Nam có mức chi tiêu cao. Khách Hàn Quốc và Nhật Bản thích dùng bữa tại các nhà hàng ở TP HCM, trong đó khách Trung Quốc thích đi mua sắm tại ba thành phố lớn Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.

“Dựa trên những dữ liệu trên, Visa có thể đưa ra những tư vấn chiến lược phù hợp với tiềm năng phát triển Việt Nam, cung cấp các chương trình khuyến mãi ưu đãi mang và đảm bảo cho ngành du lịch Việt Nam ngày càng nhận nhiều tín nhiệm của du khách quốc tế”, bà Dung cho hay.

Ngày 7/8, Visa và Sở Giao thông vận tải TP HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy công nghệ thanh toán điện tử, hỗ trợ các phương thức di chuyển thông minh tại TP HCM. Trong thỏa thuận hợp tác này, hai bên dự kiến hợp tác trong tăng cường chấp nhận thanh toán kỹ thuật số, xây dựng hệ thống thanh toán mở và an toàn trên tất cả hệ thống giao thông ở thành phố.

Trước đó vào năm 2018, Visa đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP HCM tổ chức buổi hội thảo “Thanh toán thẻ không tiếp xúc trong giao thông công cộng”. Những sáng kiến về thanh toán tiền vé tiện lợi cho mạng lưới xe buýt công cộng đã được nêu lên, và đặc biệt có thể ứng dụng vào hệ thống tàu điện, dự kiến được đưa vào sử dụng vào năm 2020.

Gần đây, Visa và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng đã có buổi lễ ký kết hợp tác và chính thức giới thiệu ra thị trường dòng thẻ du lịch VPBank Visa Platinum Travel Miles bao gồm hai sản phẩm thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch đang tăng cao của khách hàng. 

                                                                                                                                                                                         Thư Kỳ       

  Biên tập: vnexpress.net

Click để xem các chương trình Du Lịch:

 

 

 

Rate this post