LÀNG GỐM VÂN SƠN (BÌNH ĐỊNH)

Từ thị trấn Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) ngược lên hướng Tây chừng 2 km là đến làng gốm Vân Sơn, một trong những làng nghề truyền thống cổ nhất Bình Định còn tồn tại đến ngày nay.

Ngày xưa, trung tâm làng gốm nằm sâu trong ấp An Xuân, thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Cách đây chừng 70 năm, đất sét tốt để làm nguyên liệu ở vùng này cạn kiệt, trung tâm làng gốm phải nhích ra cho gần vùng nguyên liệu mới, làng gôm Vân Sơn đã hình thành như thế. Rồi mấy năm gần đây, đất bản địa ít dần, nhưng nay người ta không cần rời làng nữa vì đường sá đã tốt, giá thành vận chuyển nguyên liệu rẻ và nhiều người cung cấp.

Bây giờ cái nghề làm gôm đất nung, hay như cách dân địa phương gọi là đồ đất ít còn phồn thịnh nữa. Nhưng cũng  không đến nỗi eo xèo. Theo những chuyến xe lửa, những chuyến ô tô, nồi đất, chậu đất, ấm đất, lò đất , siêu thuốc Bắc… lại đi xa. Có người cho biết ngày nay đồ đất Vân Sơn ngoài thị trường cũ như Đà Nẵng, Huế, còn vào đến Kiên Giang, Rạch Giá ở phía Nam, Quảng  Ninh ở phía Bắc… Mấy mươi năm trước, từ đống đất, bàn xoay đến cách cầm lò, đun lò và dỡ lò, nghề gốm Vân Sơn vẫn còn tồn tại và phát triển.

Đất sét làm đồ gốm, đất nung là loại đất sét tốt, đủ độ dẻo cần thiết. Đất lấy lên khỏi hố khai thác được đạp dẻo ngay tại chỗ. Khi đất đã đều và quánh lại, thợ đất bèn xắn chúng thành từng mảng, phơi cho khô và đưa về tập kết gần nơi sản xuất, sau đó người ta đập nhỏ và lấy bao ny lông phủ lên cẩn thận.Qua một bàn xoay, gốm thành hình vật dụng còn thô mộc giữ nguyên màu vàng nhạt của đất còn là bán thành phẩm chờ nguội trang trí. Thợ gốm dùng một con dap nhỏ, thật sắc để kẻ, vẽ hoặc khoét hoa văn, đường viền trang trí… Xong đâu đó sản phẩm được đem đi hong khô trong ba bốn ngày. Đất đã nên hình và đã đến lúc ngọn lửa sẽ thổi linh hồn vào đó để chúng thực sự có tên gọi, đời sống và số phận riêng

Việc xếp đồ gốm đất thô vào lò nung được gọi là “trồng lò”. Công đoạn này cũng được chuyên môn hóa bởi thợ trồng lò. Thợ trồng lò giỏi là người xếp được nhiều sản pẩm hơn trong cùng một không gian bàu nung. Thợ trồng lò thường luồn các chậu nhỏ vào trong những cái lớn, rồi cứ thế đến cho khi không còn luồn được nữa thì đem đặt vào một cái chum,cái chum ấy lại được luồng trong một cái chum đại. Nói thì đơn giản thế đấy nhưng thực tế phải tính toán phức tạp hơn nhiều, vì trong khi xếp người ta luôn phải chèn, chắn, tính toán sao cho khi nung các sản phẩm không dính, không nứt, bởi đặt sát quá, đồ gốm sẽ co rút không đều và sẽ bị méo sau khi nung.

Để có màu đỏ tươi, người ta thường đốt lò bằng bổi chành rành. Loại lá này bắt lửa và phất lên rất nhanh. Ngọn lửa chành rành táp đến đâu gốm sẽ đỏ au đến đó, cái sắc thái rất riêng của gốm đất Vân Sơn sẽ dậy lên sau ngọn lửa nung. Đất sét mà Vân Sơn chọn dùng là thứ đất cực tốt nhưng thiếu ngọn lửa chành rành này thì chẳng cho ra sản phẩm với màu đỏ đặc trưng của gốm Vân Sơn (Bình Định). Ở thời kỳ này, các đồ dùng bằng gốm lặng lẽ nhường chỗ cho nhựa, nhôm, inox,.. Nhưng cái nghề dân dã ấy luôn hấp dẫn người ta về chốn dung dị, hồn nhiên hiếm thấy của nó.

Đến với PHƯƠNG MAI TOURIST bạn sẽ được tham gia trải nghiệm làm ra sản phẩm đồ gốm và được hướng dẫn viên thuyết trình về quá trình làm gốm của người dân địa phương Bình Định.

Rate this post