KHÁM PHÁ CÁC MÔ HÌNH KHOA HỌC – TRUNG TÂM KHÁM PHÁ KHOA HỌC QUY NHƠN

PHÒNG SỐ 1
Có tên gọi: “Từ Hạt đến Vũ trụ”. Phòng này được tài trợ về mặt nội dung Khoa học bởi Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu CERN. CERN được thành lập vào năm 1954, là phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới về vật lý hạt, nằm trên đường biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Đây là nơi làm việc của khoảng 12000 nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó, tính đến năm 2017, Việt Nam cũng đã có 11 nhà khoa học tham gia nghiên cứu tại đây.

Trong căn phòng này, khách tham quan sẽ được đi từ thế giới vô cùng nhỏ bé của các hạt cơ bản cho đến thế giới bao la rộng lớn của vũ trụ.

Ngoài ra, khách tham quan sẽ được tìm hiểu cụ thể về công việc hàng ngày của các nhà khoa học tại CERN thông qua các trò chơi đặc biệt và mô hình trong phòng, cũng như có cơ hội để tìm hiểu về lịch sử của Vũ trụ bắt đầu từ vụ nổ Big Bang.

 

PHÒNG SỐ 4 

Quả cầu chiếu hình Địa lý Thiên văn
Các bài học Địa lý, Khí hậu, Môi trường sẽ trở thành đơn giản và hấp dẫn khi được trình chiếu trên Quả cầu chiếu hình có đường kính 1.5m.


Bên cạnh đó, nó cũng có thể mô phỏng được bề mặt của các hành tinh trong Hệ Mặt trời và một số vệ tinh của chúng.
Một show đặc biệt với chủ đề “Tương lai của Trái đất” sẽ được các nhân viên của TTKP trình bày qua Quả cầu chiếu hình này.

Khu Toán học
Với hơn 10 trò chơi Toán học vui không phân biệt lứa tuổi, giúp kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo. Từ cách chứng minh định lý Py-ta-go cho đến những bài toán xếp hình dễ nhưng mà… khó thu hút được cả những nhà Khoa học đạt giải Nobel ngồi vào bàn tìm cách giải.

Một vài trải nghiệm Khoa học đặc biệt khác cũng được thực hiện trong phòng này:

  • MÔ HÌNH GIÓ BÃO: Mô hình mô phỏng gió bão sẽ minh họa một hiện tượng thời tiết phổ biến trên Trái Đất một cách trực quan sinh động.
    Khách tham quan sẽ vô cùng thích thú khi trực tiếp cảm nhận hiện tượng thời tiết này và nhận thức được ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết tới cuộc sống của con người. mô phỏng và cho khách tham quan cảm giác rơi vào giữa cơn bão cấp 12.

 

  • HỒNG NGOẠI: Bạn có vô hình trong bóng tối hoàn toàn? Hãy dè chừng những camera hồng ngoại… Show khoa học vui về Tia sáng bí ẩn phát ra từ mọi vật nóng, chỉ được nhìn thấy qua camera hồng ngoại.

PHÒNG SỐ 5
Có tên gọi “Từ chơi đến học” rất thích hợp cho các em học sinh từ cấp 2 trở lên. Các em đã có nền tảng cơ bản về khoa học, có thể tự chơi các trò chơi hay thực hiện các thí nghiệm khoa học thông qua việc đọc hướng dẫn trên các poster.

Trong phòng này, mọi người sẽ được tự do khám phá theo sở thích của riêng mình thông qua hơn 20 mô hình khoa học. Hầu hết chúng được thực hiện tại Xưởng chế tạo của TTKP, với sự  giúp đỡ của các giáo sư đầu ngành có kinh nghiệm. Ứng với mỗi mô hình, trò chơi là các khái niệm khoa học đơn giản của vật lý, toán học hay sinh học, … cũng như các ứng dụng thực tế của chúng. Qua đó không chỉ các em học sinh mà những ai đến đây đều có thể biết được, khoa học không ở đâu xa xôi mà luôn đồng hành trong cuộc sống của chúng ta.

TESLA COIL
Show đặc biệt lý thú về Tia lửa điện tạo sấm chớp từ máy Tesla 500kV được thực hiện tại phòng số 5. Tia lửa điện tần số cao còn có thể thắp sáng bóng đèn tube ở khoảng cách đến 3m, minh họa cho nguyên lý truyền tải năng lượng không cần dây dẫn.  Và cuối cùng là, bạn có tin được không, máy Tesla sẽ hát cho các bạn nghe 1 vài giai điệu quen thuộc

BÓNG ĐÁ PROTON

​Các nhà Khoa học nghiên cứu những hạt vô cùng bé bằng cách cho chúng va chạm vào nhau ở tốc độ rất nhanh. Trò chơi này mô phỏng lại cách hoạt động của cỗ máy gia tốc khổng lồ ở CERN: Hai người chơi đóng vai trò máy gia tốc, sẽ sút những “quả bóng” Proton cho nó va đập vào nhau. Nếu tốc độ quả bóng đủ lớn và va chạm vào giữa “sân bóng” bạn có thể thấy các hạt mới được sinh ra. Nếu may mắn, bạn sẽ thấy được “hạt của chúa” boson Higgs. ​

ĐIỆN VÀ TĨNH ĐIỆN
Show đặc biệt về điện: Tạo ra điện thật là vui và dễ dàng, nhưng dùng nó để làm trò ma thuật thì còn vui hơn nữa: Motor tĩnh điện, chuông báo giông và… dựng tóc gáy với máy phát tĩnh điện
Wimshurst.

TÊN LỬA NƯỚC
Trải nghiệm khoa học về tên lửa đẩy, định luật 3 Newton.
Bơm khí vào chai nước, khi mở khóa, khí nén sẽ đẩy nước vọt ra và đẩy tên lửa nước bay lên cao.
Với học sinh cấp 2 và 3: Chế tạo tên lửa nước theo mẫu. Tìm thông tin về tên lửa nước: lý thuyết, các mẫu mô hình, tìm cách để đạt hiệu quả cao nhất: bắn cao, bắn xa, bắn chính xác…. ​

(Nguồn: Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn)

Rate this post