Các em học sinh trải nghiệm làng nghề gốm Vân Sơn

Vân Sơn là làng nghề cổ nhất của Bình Định còn đến bây giờ. Ngày xưa trung tâm làng gốm nằm sâu trong xóm An Xuân, thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn.

 

Đất sét để làm gốm đất nung phải là loại đất sét tốt, đủ độ dẻo cần thiết. Đất lấy lên khỏi hố khai thác được đạp dẻo ngay tại chỗ. Khi đất đã đều và quánh lại, thợ đất bèn xắn chúng ra thành từng tảng, phơi cho khô và đưa về tập kết gần nơi sản xuất. Sau đó người ta lại đập nhỏ chúng ra và lấy bao nylon phủ lại cẩn thận.
Thứ đất nguyên liệu này nếu chẳng may bị ngấm nước sẽ làm độ dẻo của đất không ổn định và làm sản phẩm dễ bị nứt khi nung. Qua một lượt bàn xoay, gốm thành hình, vật dụng còn thô mộc giữ nguyên màu vàng nhạt của đất ấy là bán thành phẩm chờ làm nguội, trang trí. Thợ gốm sẽ dùng đến một con dao nhỏ thật sắc để kẻ, vẽ, hoặc khoét hoa văn, đường viền trang trí… xong đâu đó sản phẩm được đem hong khô trong vòng 3-4 ngày. Đất đã nên hình và đã đến lúc ngọn lửa sẽ thổi linh hồn vào đó để chúng thật sự có tên gọi, đời sống và số phận riêng.

Việc xếp gốm đất thô vào lò nung được gọi là “trồng lò”. Công đoạn này cũng được chuyên môn hóa bởi thợ trồng lò. Thợ trồng lò giỏi là người xếp được nhiều sản phẩm hơn trong cùng một không gian bầu nung. Thợ trồng lò thường luồn cái chậu nhỏ vào trong cái lớn hơn, rồi cứ như thế cho đến khi không luồn được nữa thì đem đặt vào một cái chum, cái chum ấy lại được luồn vào một cái chum đại. Nghe nói thì đơn giản thế nhưng thực tế phải tính toán phức tạp hơn nhiều vì trong khi xếp người ta luôn phải chèn, chắn, tính toán sao cho khi nung các sản phẩm không dính, không nứt bởi nếu đặt sát quá đồ gốm sẽ co rút không đều và sẽ bị méo sau khi nung.

 

Một số hình ảnh về gốm mà các thợ cũng như các em học sinh tự tay trải nghiệm

Một số sản phẩm tự tay các em học sinh làm ra

Rate this post