Khu Đền tháp lớn nhất còn lại của Vương quốc Chăm-pa trên mảnh đất Bình Định
Trong số hệ thống tháp Chăm hiện còn tại Bình Định, Tháp Bánh Ít là một trong những ngôi tháp nổi tiếng nhất và được nhóm tác giả người Anh của cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” giới thiệu với bạn đọc thế giới. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam được chọn giới thiệu trong cuốn sách này. Tháp Bánh Ít được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật vào năm 1982 và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận vào Top 10 tháp và cụm tháp cổ được nhiều du khách tham quan nhất vào năm 2014.
Tháp Bánh Ít là một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất của Vương quốc Chăm-pa trên mảnh đất Bình Định. Tháp được tạo lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V. Tháp này còn mang những tên gọi khác là tháp Tri Thiện, tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, Thổ Sơn hay người Pháp gọi là Tour d’argent – tháp Bạc. Còn trong nhân gian từ xưa tới nay, khu tháp được gọi với cái tên rất hình ảnh: tháp Bánh Ít.
Tháp Bánh Ít, một trong số những di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu nhất hiện còn tồn tại. Vương Quốc Chăm-pa là một Quốc gia độc lập, tồn tại từ khoảng thế kỷ thứ 2 đến năm 1832 trên phần đất nay thuộc miền Trung Việt Nam. Cương vực của Chăm Pa lúc mở rộng nhất trải dài từ dãy núi Hoành Sơn ở phía Bắc cho đến Bình Thuận ở phía Nam và từ biển Đông cho đến tận miền núi phía Tây của nước Lào ngày nay. Văn hóa Chăm-pa chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Campuchia và Ấn Độ đã từng phát triển rực rỡ với những đỉnh cao là phong cách Đồng Dương và phong cách Mỹ Sơn A1 mà nhiều di tích đền tháp và các công trình điêu khắc đá, đặc biệt là các hiện vật có hình linga vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay cho thấy ảnh hưởng của Ấn giáo và Phật giáo là hai tôn giáo chính của chủ nhân vương quốc Chăm-pa xưa. Chăm-pa hưng thịnh nhất vào thế kỷ thứ 9 và 10 và sau đó dần dần suy yếu dưới sức ép Nam tiến của Đại Việt từ phía Bắc và các cuộc chiến tranh với Đế quốc Khmer.Có lúc Champa thịnh đạt trở lại trong những khoảng thời gian ngắn , nhưng cũng không thể ngăn cản đà suy thoái của vương quốc này. Năm 1471, Chăm-pa chịu thất bại nặng nề trước Đại Việt và nước Chăm-pa thống nhất chấm dứt tồn tại. Phần lãnh thổ còn lại của Chăm Pa tiếp tục bị các chúa Nguyễn thôn tính lần hồi và đến năm 1832 toàn bộ vương quốc chính thức bị sáp nhập vào Việt Nam.
Tiếp nhận Ấn Độ giáo như quốc giáo, người Chăm cũng tiếp nhận mô hình kiến trúc Ấn Độ để tạo nên một mô hình kiến trúc rất độc đáo tại Việt Nam. Điều này được minh chứng rõ nhất bằng quần thể các kalan (đền tháp) mà tháp Bánh Ít là một ví dụ điển hình. Thuật ngữ kalan hàm chỉ ngôi tháp trung tâm của một khu đền và là nơi đặt ở mẫu vật thờ chính – ở đây là tượng thần Shiva của Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, do sự suy yếu dần của vương quốc Chăm từ thế kỷ thứ X trở về sau nên công trình tháp Bánh Ít đã không thể hoàn thiện bằng đường nét sắc sảo của những trụ và cột ốp tuyệt đẹp trong nghệ thuật kiến trúc Chăm giai đoạn sớm. Thay vào đó, tháp Bánh Ít tự giới hạn bằng những mô-típ đơn giản hơn. Tuy thiếu đi sự trang trí hoàn thiện đến tinh xảo nhưng bù lại, tháp lại mang một dáng nét kiến trúc rất độc đáo. Để tạo nên dấu ấn nổi bật này, kalan và tháp yên ngựa gần đó được xây trên đỉnh một ngọn đồi trong khi hai tháp nhỏ hơn được xây thấp hơn ở về phía Nam và phía Đông của kalan. Tiếp đó, phối cảnh ngọn đồi hình bậc thang, tạo hiệu ứng tổng thể như một hình chóp, vừa mang tính biểu trưng của mô hình đền – núi (núi vũ trụ Meru trong Bà La Môn Giáo).
Tháp Bánh Ít có bốn ngọn được xây trên một quả đồi thuộc địa phận thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ngọn to nhất cao khoảng 29,6m xây ở đỉnh đồi, nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Bên cạnh ngọn tháp chính, còn có ba ngọn tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau, trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Tháp cổng phía đông cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m, chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong. Vì có chức năng làm cổng nên ngôi tháp này có hai cửa thông nhau theo hướng Đông – Tây, được trang trí đơn giản hơn so với ngôi tháp chính và cùng nằm trên một trục thẳng với cửa tháp chính trên đỉnh đồi. Ðặc biệt, vòm cửa được trang trí giống hình mũi lao có nhiều lớp liên tiếp vút lên trên. Hai mặt còn lại của tháp là hai cửa giả, không thông với lòng tháp nhưng vòm được tạo dáng giống như cửa thật. Mặc dù đã bị hư hại nhiều, tháp cổng không còn khá vững chãi. Quanh thân tháp có các trụ đá ốp để trơn không trang trí. Diềm mái tháp hơi nhô ra nâng toàn bộ ba tầng mái trang trí đơn giản nhưng khỏe khoắn.
Nằm cách tháp Cổng phía đông 22m về phía hướng nam là tháp Bia. Tháp Bia – nhà che bia là kiến trúc thường có mặt trong bố cục đền – tháp lớn ở một vùng. Trong tháo này thường có bia ký ghi lại công trạng của các vị vua và các vị thần linh được thờ ở không gian thiêng này. Rất tiếc là tấm bia trong ngôi tháp này hiện nay không còn.
Tháp Bia có kích thước và cấu trúc giống tháp cổng phía Đông và cùng phong cách kiến trúc Bình Ðịnh: bình đồ vuông, cửa hình mũi lao, thân được tạo các cột ốp… Song ở tháp cổng phía nam có những đặc điểm riêng như bốn cửa thông nhau theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Ðây là kiến trúc Posah có bộ mái khá đặc biệt, các tầng mái nhỏ dần về phía trên. Mỗi tầng đều có hàng cột thể hiện theo lối thắt giữa, phình ra ở hai đầu trông giống như những quả bầu nậm.
Qua tháp Bia, đi về phía Tây Bắc, cạnh ngôi tháp chính là tháp hình yên ngựa (tháp Hỏa) – kiến trúc độc nhất vô nhị của Bình Định. Tháp này cao khoảng 10m, được xây theo bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 12m, chiều rộng 5m. Do chỉ là một kiến trúc phụ có chức năng như một nhà kho (nơi người Chăm xưa dùng để đồ tế lễ) nên tháp yên ngựa có hình dáng và cấu trúc mô phỏng ngôi nhà sàn dân gian. Cửa chính mở ra phía Đông, dẫn sâu vào lòng tháp, thông với cửa trổ ra ở phía Bắc và Nam. Ðặc biệt mái tháp được tạo dáng lõm ở giữa, vút lên ở hai đầu, giống hình yên ngựa. Ðế tháp hơi nhô ra so với thân tháp, xây giật cấp vuông vức tạo thành bệ đỡ vững chắc. Thân tháp có phù điêu chim thần trong tư thế hai cánh giơ cao như nâng đỡ cả phần trên của tháp.
Cạnh tháp yên ngựa là tháp Chính, đây là tòa kiến trúc lớn nhất với chiều cao 29,6m, được xây dựng trên đỉnh đồi, bình đồ hình vuông, mỗi chiều đo được 11m, có một cửa chính ở phía Đông và ba cửa giả. Ðây là kiến trúc Kalan với cửa chính nhô ra khỏi mặt tường đến 2m, vòm cửa hình mũi giáo, chính giữa vòm có phù điêu mặt Kala. Diềm mái vòm là một băng phù điêu hình khỉ thần HaNuMan đang múa. Ở các cửa giả nhô ra ít hơn, diềm mái vòm lại được tạo các phù điêu Gajasimha (mình người đầu voi). Thân tháp chính có năm cột dọc, rãnh kép, vừa làm cho tường vững chãi, vừa tạo dáng thanh thoát. Bộ diềm mái ngăn cách với thân được ốp bằng những khối đá sa thạch, gắn liền với nhau thành một mảng. Ba mái có ba tầng mô tả như thân tháp nhưng nhỏ dần về phía đỉnh. Các tầng mái, ngoài hệ thống cột và cửa giả còn có những bức trang trí hoa văn. Tầng một, ở phía Nam tạc hình sư tử, phía Tây và Đông trang trí bò thần Nandin, phía Bắc thể hiện mặt Kala nhìn thẳng, bên trong tầng còn có những tượng thờ bằng đá.
Trong toàn bộ di tích Tháp Chàm còn lại trên đất nước Việt Nam, quần thể di tích tháp Bánh Ít là một quần thể độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, một khu di tích kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Đồng thời là một trong những công trình đền tháp lớn nhất còn lại của Vương Triều Chămpa và là di tích Tháp Chăm thu hút nhất đối với du khách trong và ngoài nước ở Bình Định