Bình Định Một Thời Hát Bội

Bình Định là nơi ghi dấu nhiều tác giả lỗi lạc của sân khấu tuồng như Đào Duy Từ và Đào Tấn. Lịch sử Tuồng Bình Định gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ – bậc tài danh văn võ song toàn. Là người Thanh Hóa nhưng vào xứ Đàng Trong xây dựng sự nghiệp vào khoảng đầu thế kỷ 17, chính ông là người đã truyền dạy Tuồng cho dân Bình Định cũng như lập nên nhiều đoàn hát bội với các vở tuồng đặc sắc còn lưu lại đến ngày nay. Vào giữa thế kỷ 19, Bình Định sản sinh ra một kịch tác gia tuồng xuất sắc là Đào Tấn. Cùng với việc sáng tác nhiều vở tuồng hấp dẫn và có giá trị, ông đã lập nên trường đào tạo hát bội mang tên Học bộ đình Vinh Thạnh – cơ sở đào tạo hát bội quy mô và danh tiếng nhất thời bấy giờ. Từ đây, nhiều tài năng hát bội đã được nuôi dưỡng và trở thành những tên tuổi lớn của sân khấu tuồng Bình Định. Theo đó, phong trào hát bội đã phát triển trên khắp Bình Định và trở thành nét văn hóa độc đáo của vùng đất này.

Nét đặc sắc nhất ở tuồng Bình Định chính là sự hùng tráng được kết hợp từ việc hát, múa và các động tác võ thuật. Gần như tất cả các đào kép đều là những người biểu diễn được võ thuật và sử dụng nhuần nhuyễn các loại binh khí của võ cổ truyền Bình Định như song kiếm, đao, thương, côn… Việc đưa các màn nhào lộn, đánh trận vào các vở tuồng đã làm cho bộ môn nghệ thuật này ở đất Bình Định trở nên cuốn hút và sinh động, lột tả được những nội dung như khắc họa tấm gương hào kiệt, những anh hùng xả thân vì nghĩa lớn, hướng con người đến những cách ứng xử cao đẹp trong cuộc sống qua các ca từ răn dạy và giáo dục lễ nghĩa. Người ta vẫn cho rằng tuồng là sân khấu của những người anh hùng – nhân vật chính của các vở diễn được lột tả qua các tình huống gian khổ, hiểm nguy. Họ tôn thờ lý tưởng trung quân ái quốc và sẵn sàng hy sinh cho khát vọng của dân tộc.

Nghệ thuật vẽ mặt của Hát Bội là một tinh túy xuất phát từ Kinh Kịch và có từ lâu đời lắm rồi. Có lẽ từ triều đại nhà Tùy và Đường ngày trước. Lúc đó trong các buổi tế lễ người ta hay dùng những mặt nạ trông rất dữ tợn để xua đuổi ma quỷ vì người ta tin rằng loài quỷ dữ chỉ sợ những gì hung tợn hơn chúng. Đến đời Minh, nghệ thuật sân khấu và trang điểm mặt cho nghệ sĩ phát triển và cải thiện khiến nó trở thành những quy ước chặt chẽ. Cuối cùng đến đời nhà Thanh thì nghệ thuật hoá trang cho các vai trò của nghệ nhân đã được hoàn chỉnh.

Trang điểm khuôn mặt cho một nghệ sĩ trước khi lên sân khấu là một nghệ thuật. Vẽ, pha màu cũng như áp dụng màu sắc cho đúng vai diễn của nghệ nhân đòi hỏi người vẽ mặt phải có một nghệ thuật chuyên môn cao và điêu luyện. Tôi từng được ngồi xem nghệ sĩ Trần Tường Nguyên trang điểm và vẽ mặt cho các học sinh lớp Hát Bội do cô Ngọc Bày hướng dẫn và thấy được công việc ấy không phải dễ làm, nhất là đối với các em thiếu nhi. Các em vì tính năng động mà ngồi, đứng không yên, lúc lắc liên tục. Mất khoảng nửa tiếng mới vẽ xong khuôn mặt tướng tuyệt đẹp cho một em. Vẽ vừa xong, em đã chạy tới chạy lui, khuôn mặt nhễ nhại đầy mồ hôi, rồi em đưa tay áo lên quẹt, phấn màu phai tùm lum, thế lại phải vẽ và trang điểm lần nữa.

Trong nghệ thuật Hát Bội hay Hát Tuồng, những màu sắc chính được trang điểm trên mặt thường để phân biệt tính tình, nhân sinh quan cũng như đạo đức của một nhân vật. Sắc mặt đỏ biểu hiện cho sự can đảm, tận tụy, ngay thẳng. Đen tượng trưng cho người hung tợn, mạnh mẽ. Vàng là tham vọng, mạnh mẽ, trầm tính. Xanh là trung thành, mạnh mẽ, sắc sảo. Trắng có thể gọi là độc ác, lừa lọc, đa nghi, xảo trá. Tím dành cho trầm tĩnh, liêm chính, còn Bạc và Vàng(Gold) cho thần linh và thượng đế. Do những qui định của màu sắc mà người xem biết mình đang đối diện những nhân vật nào trên sân khấu mà không phải đoán hay nghĩ nhiều. Kẻ trung, người nịnh, ai minh chánh, kẻ gian tà đều hiện rõ dưới ánh đèn sân khấu.

Trên đất Bình Định ngày nay, ngoài Nhà hát Tuồng Đào Tấn với bề dày hoạt động trên 50 năm, có đến hơn chục đoàn tuồng không chuyên liên tục trình diễn và truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống này cho thế hệ trẻ. Nghệ thuật tuồng đã trở thành một phần tâm thức của những người con Bình Định khi mà tiếng trống chầu hát bội ngày xưa và bây giờ vẫn ngân vang trong những đêm hội làng, những dịp cúng lễ hay các kỳ liên hoan du lịch, lễ hội đường phố ở mảnh đất hội tụ tinh hoa của văn hóa dân tộc.

 

 

 

 

 

 

Rate this post